Bình thường, khi muốn liệt kê hai hay nhiều chi tiết về một người, một vật hay một điều gì đó, ta có thể đơn giản chỉ dùng liên từ (conjunction) and, nghĩa là . Ví dụ:

  • I am happy and satisfied with my result.
  • (Tôi vui và thỏa mãn với kết quả của mình.)

Tuy nhiên, để làm tăng cường độ của điều mà ta đang nói đến, ta có thể thay cấu trúc … and … bằng cặp trạng từ (adverb) not only… but also… (chẳng những… mà còn…).

Để nhấn mạnh, làm tăng mức độ vui và thỏa mãn của người nói, bạn có thể chuyển ví dụ bên trên thành:

  • I am not only happy but also satisfied with my result.
  • (Tôi chẳng những vui mà còn thỏa mãn với kết quả của mình.)

Cách chuyển đối từ cấu trúc … and… sang not only… but also…

Nếu bạn là người thích học tiếng Anh bằng công thức cấu trúc hơn là ví dụ, dưới đây là cách đổi giữa hai dạng câu.

Đối với trường hợp liệt kê các tính từ cho cùng chủ ngữ, từ cấu trúc … and…:

Subject + 1st predicate + and + 2nd predicate
(Chủ ngữ + vị ngữ thứ nhất + and + vị ngữ thứ hai)

bạn có thể đổi thành cấu trúc:

Subject + not only + 1st predicate + but also + 2nd predicate
(Chủ ngữ + not only + vị ngữ thứ nhất + but also + vị ngữ thứ hai)

Ví dụ:

  • He loves to read books and enjoys swimming.
  • (Anh ta yêu đọc sách và thích bơi lội.)

trở thành:

  • He not only loves to read books but also enjoys swimming.
  • (Anh ta chẳng những yêu đọc sách mà còn thích bơi lội.)

Đọc đến đây, có thể bạn đang thắc mắc vì sao các cấu trúc câu bên trên không khớp với ví dụ ở đầu bài. Các cấu trúc trên chỉ nhắc đến trường hợp trong câu có hai vị ngữ, vậy nếu câu chỉ có một vị ngữ thì ta phải làm sao? Có thể bạn chưa nhận ra rằng các cấu trúc câu nêu trên mang tính tổng quát hơn, còn ví dụ ở đầu bài là một trượng hợp đặc biệt và đã được rút gọn. Nếu nói một cách đầy đủ, ta sẽ diễn đạt ví dụ ở đầu bài như sau:

  • I am happy with my result and I am satisfied with my result.

Và nếu dùng cấu trúc not only… but also… thì ta sẽ diễn đạt như sau:

  • I not only am happy with my result but also am satisfied with my result.

Bạn thấy đó, các câu trên nghe rất cồng kềnh, luộm thuộm. Vì vậy, khi nào có thể rút gọn câu được, ta nên rút gọn cho việc diễn đạt được gọn gàng và tự nhiên hơn. Trong trường hợp này, ta rút gọn và tránh việc lặp lại chủ ngữ I, động từ am và bổ ngữ with my result.

Cấu trúc đảo ngữ

Đôi khi, để cho việc diễn đạt nghe có vẻ có phong cách và đỡ nhàm chán, người viết có thể spice things up (gây hứng thú) với biện pháp đảo ngữ (inversion). Chẳng những vậy, như đã nhắc đến ở đầu bài, việc đổi từ cấu trúc … and … sang not only… but also… giúp bạn làm tăng cường độ điều mình muốn nói. Với trạng từ not only đứng ở đầu câu, việc dùng đảo ngữ còn làm tăng cường độ và sự nhấn mạnh nhiều hơn nữa.

Cấu trúc not only… but also… là một ứng cử siêu phù hợp cho việc đảo ngữ, vì cấu trúc này có trạng từ này mang tính phủ định (negative adverbial). Nói chính xác hơn, trạng từ phủ định not only là lý do ta có thể áp dụng biện pháp đảo ngữ.

Cấu trúc đảo ngữ không có gì khó; bạn chỉ cần đảo thứ tự chủ ngữ và trợ động từ trong mệnh đề (clause) thứ nhất (tức là mệnh đề có chứa có chứa trạng từ not only) và hầu như giữ nguyên thứ tự các thành phần của mệnh đề thứ hai (mệnh đề chứa but also), như công thức sau đây:

Not only + auxiliary verb + subject + 1st predicate, (but) + subject + also + 2nd predicate
(Not only + trợ động từ + chủ ngữ + vị ngữ thứ nhất, (but) + chủ ngữ + also + vị ngữ thứ hai)

Áp dụng công thức trên vào ví dụ ở đầu bài, ta có câu đảo ngữ sau:

  • Not only am I happy with my result, but I am also satisfied with it.
  • (Chẳng những tôi vui với kết quả của mình, mà tôi còn thỏa mãn với nó.)

Tuy đảo ngữ là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn linh động hơn trong lối hành văn, nó cũng có nhiều đòi hỏi gắt gao hơn. Vài điểm cần lưu ý trong công thức của cấu trúc đảo ngữ not only… but also… nên trên:

Thứ nhất, trợ động từ (auxiliary verb) không được nhắc đến ở phần đầu bài khi bàn về cấu trúc bình thường (cấu trúc ‘xuôi’) của not only… but also.., vì nó là một phần của vị ngữ (predicate). Trong cấu trúc câu ‘xuôi’, vai trò của trợ động từ (auxiliary verb) trong mệnh đề chứa not only (“not only” clause) không có gì nổi bật; có khi, trợ động từ còn bị ẩn trong động từ chính, (ví dụ: have thay vì do have, think thay vì does think, bought thay vì did buy, v.v.). Chỉ khi dùng cấu trúc ‘ngược’ (cấu trúc đảo ngữ), vai trò của trợ động từ mới thực sự nổi trội và cần được nhắc đến đích danh.

Thứ hai, trong dạng đảo ngữ, mỗi mệnh đề trong hai mệnh đề not only và mệnh đề but also phải có riêng chủ ngữ của nó. Hai chủ ngữ có thể giống hoặc khác nhau; nhưng ngay cả khi giống nhau, nó vẫn phải được lặp lại trong vế but also. Lý do cho điều này rất đơn giản. Trong cấu trúc bình thường (cấu trúc ‘xuôi’), chủ ngữ của hai vế có thể được dùng chung và chỉ cần được nhắc đến một lần vì nó nằm trước cả not onlybut also; người đọc có thể ngầm hiểu là nó được lặp lại trong vế thứ hai. Trong khi đó, trong cấu trúc ‘ngược’, chỉ có thứ tự các thành phần trong mệnh đề thứ nhất (mệnh đề not only) bị đảo ngược; trong khi thứ tự các thành phần trong mệnh đề thứ hai (mệnh đề but also) được giữ nguyên. Vì thứ tự của các thành phần trong từng mệnh đề không song song, đối xứng với thứ tự của các thành phần trong mệnh đề còn lại, nên ta không thể lược bỏ bất kỳ thành phần nào. Nếu lược bỏ chủ ngữ trong mệnh đề but also, mệnh đề của bạn sẽ không hoàn chỉnh; đây là quy tắc cơ bản và cấm kỵ trong ngữ pháp tiếng Anh.

Thứ ba, trong cấu trúc đảo ngữ, cụm từ but also bị tách riêng ra. Điều này cũng hợp lý thôi, vì trong mệnh đề thứ hai (mệnh đề có chứa but also), ta không thể đặt liên từ but sau chủ ngữ được. Chính vì yêu cầu cần có chủ ngữ trong mệnh đề thứ hai (như đã bàn ở trên) mà ta cần cẩn thận hơn về vị trí đặt liên từ but. Vì bản thân but là một liên từ, nó có chức năng liên kết hai mệnh đề với nhau và phải được đặt ở giữa hai mệnh đề, cụ thể là trước chủ ngữ trong mệnh đề thứ hai.

Cuối cùng, bạn có thấy liên từ (conjunction) but được đặt trong ngoặc đơn? Đó là vì ta có thể dùng hoặc không dùng liên từ này mà không làm thay đổi ý nghĩa của câu. Đúng, but là một liên từ, và trong câu có hai mệnh đề, vai trò của liên từ rất quan trọng. Nhưng, vì người bản xứ đã nghe quen cấu trúc not only… but also…, nên bạn có thể bỏ liên từ but mà họ vẫn có thể ngầm hiểu ý nghĩa của câu và vị trí ‘ngầm’ của liên từ but trong một câu đầy đủ. Vậy, theo chuẩn thì nên hay không nên dùng but? Điều này không có câu trả lời. Tùy bạn thôi. Đôi khi, việc dùng but giúp bạn nhấn mạnh Nếu muốn người đọc ngầm hiểu vị trí của liên từ but thì bạn có thể không dùng nó, nhưng nếu đã dùng thì phải dùng đúng vị trí, tức là giữa hai mệnh đề, như đã giải thích ở trên.

Nhắc thêm một điều nho nhỏ cho bạn nào yêu thích phân tích sâu xa ý nghĩa ngôn ngữ. Tuy bản thân liên từ but có nghĩa là nhưng, nó không nhất thiết phải tạo nên sự tương phản giữa hai vết trong cấu trúc not only… but also…. Lý do ta dùng cấu trúc này đơn giản là vì nó đã trở thành một phần quen thuộc, lâu đời, kinh điển trong ngôn ngữ tiếng Anh của người bản xứ. Ai nói sao, mình nói vậy; không thắc mắc, không thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa hài lòng với lời giải thích này, mình có một giả thiết cho bạn suy ngẫm. Lý do ta không nói not only… and also… là vì cách nói not only… but also… mang tính phủ định kép (double negative). Double negative là một công cụ ngôn ngữ khá phổ biến để nhấn mạnh, làm tăng cường độ điều ta cần nói, và nó hoàn toàn trùng khớp với mục đích bản chất của cấu trúc not only… but also…. Vì bạn dùng trạng từ phủ định not ở vế đầu, bạn phải dùng một liên từ có nghĩa phủ định ở vế sau, cụ thể là liên từ but, để trung hòa câu văn, để tạo một double negative. Giả thiết này đúng hay sai? Bạn đành phải tự mày mò kiểm chứng, vì bản thân mình vẫn chưa tìm được câu trả lời chính thức và thỏa đáng.

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về chủ đề này? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới nhé!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *