Thơ mộng, đáng yêu, hoài vọng, bồi hồi, ca khúc Moon River (Sông Trăng) đưa ta vào trạng thái lơ lửng và thoáng vọng trong tâm trí ta sau những nốt nhạc cuối cùng khép lại. Ca khúc là lời tâm sự của một đứa trẻ với dòng sông thân thương gần nhà thuở nhỏ, phấn khích trước tương lai sẽ mở ra một ngày nào đó. Đứa trẻ đó từng là tác giả Johnny Mercer. Sau lần đầu ra mắt công chúng qua sự trình diễn của nữ minh tinh Audrey Hepburn, ca khúc được đông đảo những tên tuổi lừng danh trong làng nghệ thuật trình bày lại (cover), trong đó có thể kể đến Andy Williams, Louis Armstrong, Aretha Franklin, Judy Garland, Frank Sinatra, Andrea Bocelli và Elton John.

Năm 1961, bài hát Moon River suýt mất cơ hội được làm một phần của bộ phim nổi tiếng Breakfast at Tiffany’s (Điểm tâm tại nhà Tiffany). Hay, Breakfast at Tiffany’s suýt lỡ cơ hội chào đời.

Verse 1 (Lời 1)

Moon River,

(Sông Trăng,)

Wider than a mile,

(Rộng hơn một dặm)

I’m crossing you in style…

(Ta bảnh bao băng qua ngươi…)

…Someday.

(… Một ngày nào đó.)

Oh, (old) dream maker,

(Ôi, (bạn già của ta) kẻ tạo giấc mơ)

You heart breaker,

(Kẻ phá vỡ trái tim nhà ngươi,)

Wherever you’re going,

(Bất cứ đâu bạn đi,)

I’m going your way.

(Ta đi theo lối bạn.)

Moon River

Mới nghe qua, nhiều người nghĩ moon river (sông trăng) đơn giản là cách gọi nên thơ mà tác giả dùng để miêu tả dòng sông phản chiếu ánh trăng trải dài. Điều này không sai, nhưng chuyện không chỉ có vậy; Moon River là một địa danh có thực. Được biết, dòng sông trong bài hát là dòng sông Vernon (Vernon River) gần nhà nghỉ mát mùa hè của gia đình Johnny Mercer lúc ông còn nhỏ, tại thành phố Savannah, bang Georgia, Mỹ. Tuy nhiên, tên gọi Vernon River nghe không thi vị đối với Johnny; ông mở tập bản đồ khu vực thời bấy giờ và phát hiện Sông Trăng (Moon River) phía bắc thành phố Savannah, thuộc thị trấn Bluffton, bang South Carolina. Chuyện gì xảy ra tiếp theo thì bạn đã biết.

Nếu cảm thấy hứng thú với câu chuyện này, bạn có thể tìm đọc quyển The Life and Times of Johnny Mercer (Cuộc đời và Những thời điểm của Johnny Mercer) do tác giả Philip Furia viết.

Wider than a mile

Ở đây có sử dụng phép so sánh hơn: wider than (rộng hơn). Tính từ wide (rộng) chỉ có một âm tiết (syllable); để biến nó thành dạng so sánh hơn, bản đơn giản thêm hậu tố (suffix) –er ở phía cuối. Lưu ý là ta lược bỏ một chữ cái e trong dạng so sánh hơn này nhé; viết wideer là sai đó!

Wider than a mile có một tầng nghĩa ẩn. Có thể thực sự dòng sông tuổi thơ của tác giả chỉ rộng hơn một dặm, nhưng ở đây tác giả có ý nói nó không quá rộng; nói cách khác, ông ngụ ý muốn nói not too wide (không quá rộng), just wider than a mile (chỉ rộng hơn một dặm). Ẩn ý này của ông được củng cố trong câu tiếp theo của bài hát, I’m crossing you in style someday (Ta bảnh bao băng qua ngươi một ngày nào đó); vì dòng sông không quá rộng, ông biết ông có thể băng qua nó.

1 dặm dài khoảng 1.61 km, nếu bạn muốn biết.

I’m crossing you in style

Cụm trạng từ (adverbial phrase) in style có vài nghĩa: điệu nghệ, bảnh bao, hợp thời. Cả ba nghĩa này đều có thể được áp dụng đối với tình huống của bài hát. Có thể bảnh bao là nghĩa phù hợp nhất. Theo lời kể lại, sau khi lớn lên và đạt được nhiều thành tựu trong giới nghệ thuật, Johnny Mercer đã trở về thăm quê nhà; trong chiếc xế hộp Buick mới toanh, ông băng qua cầu bắc ngang Sông Trăng.

Một chi tiết ngữ pháp thú vị nói lên tính quả quyết, kiên định của Johnny thuở nhỏ về kế hoạch cuộc đời mình. Ông không nói ông sẽ băng qua dòng sông (I will cross you). Ông cũng không nói ông sắp băng qua nó (I am going to cross you). Thay vào đó, ông nói về việc băng qua dòng sông như thể nó đang diễn ra (I am crossing you); ông rất chắc chắn về việc đó. Đây là giá trị ngữ nghĩa thế mạnh của thì hiện tại tiếp diễn (present continuous tense, còn được gọi là present progressive tense) so với thì tương lai đơn (future simple tense) hay thì tương lai gần (near future tense).

Someday

Một lỗi rất rất hay bị mắc phải, ngay cả đối với người bản xứ, là việc sử dụng nhầm lẫn giữa some day (một ngày) và someday (một ngày nào đó). Some day, một cụm danh từ (noun phrase) nói về một giai đoạn 24 giờ khi một việc gì đó diễn ra; người nói có thể biết hay không biết khi nào giai đoạn 24 giờ xảy ra. Trong khi đó, someday, một giới từ (adverb), đơn giản chỉ nói chung chung đến một ngày nào đó, một thời điểm nào đó, một lúc nào đó mà một sự việc gì diễn ra; nó không nhất thiết phải là một giai đoạn 24 giờ và không được nghĩ đến như một đơn vị đo thời gian (mặc dù nó có dùng chữ ngày (day)). Vì quá nhiều người sử dụng sai, some daysomeday dần dần được nhiều người cho là có thể thay thế cho nhau (interchangeable); tuy nhiên, bạn nên biết qua về quy tắc này.

Oh, (old) dream maker

Nếu nghe kĩ, bạn sẽ nhận thấy, thay vì “oh, dream maker”, một số ca sĩ hát “old dream maker”. Tính từ (adjective) old ở đây có nghĩa là già, lâu năm. Ví dụ, để gọi người bạn già, bạn chơi với ta lâu năm, ta dùng old friend.

Có khi, bạn sẽ nghe cả hai chữ ohold được dùng trong cùng một câu: oh, old dream maker, ví dụ như trong bản cover của ca sĩ Andy Williams, sau phần giang tấu (interlude).

Dream maker … heart breaker…

Một cách đơn giản mà hữu dụng để gọi tên ai dựa vào hành động của họ là biến cụm động từ (verb phrase) miêu tả hành động đó thành một danh từ ghép (compound noun). Cụ thể, từ cấu trúc verb + object (động từ + tân ngữ), bạn biến động từ thành dạng danh từ của nó (thường là bằng cách thêm hậu tố (suffix) -er vào đuôi động từ, nhưng cũng có vài ngoại lệ), và sau đó đặt tân ngữ ở phía trước danh từ vừa được tạo ra. Sản phẩm của chúng ta là một danh từ ghép, với danh từ chủ chốt xuất phát từ động từ, và tân ngữ làm phó danh từ (noun adjunct). Ví dụ, các danh từ ghép dream makerheart breaker được tạo ra từ các cụm động từ tương ứng, make dream(s) và break heart(s) (make, break là các động từ tương ứng với các danh từ maker, breaker; dreamheart là các tân ngữ làm phó danh từ)).

Ngoài ra, nếu bạn chưa để ý thấy, makebreak (và các biến thể ngữ pháp của chúng) là cặp từ thường được dùng chung với nhau như một cách chơi chữ, do chúng hợp vần nhưng trái nghĩa. Trong tiếng Việt, ta cũng có cặp từ có nghĩa tương tự: xâyphá.

You heart breaker

Trong văn nói (spoken language) tiếng Anh có cách gọi thông dụng dành cho đối tượng mà bạn đang giao tiếp: you + noun. You dùng để nhấn mạnh rằng bạn đang nói chuyện với đối tượng đó, và danh từ theo sau you là tên mà bạn muốn gọi đối tượng đó. Ví dụ, you people (mấy người, mấy người bọn ngươi, mấy anh, mấy chị, mấy bạn), you animals (loài súc vật các ngươi), you animal (loài súc vật nhà ngươi), you heart breaker (kẻ phá vỡ trái tim nhà ngươi), you heart breakers (kẻ phá vỡ trái tim các ngươi), v.v. Cách gọi tên đối tượng giao tiếp này không nhất thiết chỉ được dùng trong những trường hợp mang sắc thái tiêu cực (negative) hay tích cực (positive); sắc thái giao tiếp được xác định qua từ cụ thể mà bạn dùng và qua ngữ cảnh giao tiếp. Ví dụ, you sweet adorable baby (đứa bé đáng yêu ngọt ngào nhà ngươi) hoàn toàn mang nghĩa tích cực (nếu bạn nào kiếm được cách dịch ví dụ này sang tiếng Việt mà không cần dùng cụm từ nhà ngươi thì sẽ thấy rõ hơn rằng cách gọi này không hề mang sắc thái tiêu cực).

Về nghĩa của lời bài hát, heart breaker muốn nói về sự thất vọng mà Johnny Mercer không thể tránh khỏi khi hy vọng, mơ mộng quá nhiều (dream). Chúng ta không rõ ông đã ý thức được việc này ngay từ thuở nhỏ, hay chỉ khi từng trải và nhìn lại, ông mới nhận ra nó. Trong tiếng Việt, ta có câu tục ngữ với ý nghĩa tương tự: trèo cao té đau.

Wherever

Trạng từ ever được ghép vào sau trạng từ where (bỏ một chữ cái e) với dụng ý nhấn mạnh, làm tăng độ bao phủ của phạm vi được nói đến: where (ở đâu) so với wherever (bất cứ ở đâu).

I’m going your way

Một lần nữa, tác giả dùng thì hiện tại tiếp diễn (I’m going) thay vì thì tương lai đơn (I’ll go) hay thì tương lai gần (I’m going to go) để nói rõ ý định kiên quyết của mình, giống như trường hợp I’m crossing you in style someday mà chúng ta đã nhắc đến ở trên.

Go one’s way, đi theo đường của ai hoặc đi trên đường của ai, là một cấu trúc diễn đạt tiện lợi mà bạn nên biết. Có thể bạn đã có lần nghe qua cụm động từ go my own way (đi theo đường của bản thân tôi / đi theo đường của chính tôi) mà những người có suy nghĩ tiên phong thường nói về hành động của họ, hay cụm động từ go your own way (hãy đi theo đường của chính bạn / hãy đi theo đường của riêng bạn) mà có thể có ai đó đã từng khuyên bạn.

Verse 2 (Lời 2)

Two drifters

(Hai kẻ phiêu bạt)

Off to see the world.

(Lên đường xem thế giới.)

There’s such a lot of world…

(Có thật nhiều thế giới…)

…To see.

(…Để thấy.)

We’re after the same rainbow’s end…

(Chúng ta theo cùng chân cầu vòng…)

…Waiting ’round the bend,

(Đang chờ quanh khúc cua,)

My huckleberry friend,

(Bạn việt quất của ta,)

Moon River and me.

(Sông Trăng và ta.)

Drifters

Drifter, kẻ lang bạt / kẻ phiêu bạt, là dạng danh từ của động từ drift (trôi đi, bị lôi đi).

Off to see the world

Be off là một cách diễn đạt thông dụng có nghĩa là rời khỏi một nơi nào hoặc bắt đầu một chuyến đi đâu đó / khởi hành / lên đường đi đâu đó. Theo sau be off có thể là một trạng từ chỉ nơi chốn (để trả lời cho câu hỏi: be off where? (lên đường đi đâu?)) hoặc một động từ để chỉ mục đích của chuyến đi (ví dụ như trong bài hát: be off to see the world (lên đường đi xem thế giới)).

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc hiểu nghĩa của cụm động từ see the world, nó gần nghĩa với discover the world hay explore the world.

A lot of world

A lot of + noun, hoặc biến thể lots of + noun là các cấu trúc diễn đạt rất thông dụng để chỉ một lượng lớn của cái gì / nhiều cái gì. Cả hai cấu trúc diễn đạt đều được sử dụng trong những ngữ cảnh giao tiếp ít đòi hỏi tính trang trọng (informal register); trong đó, lots of + noun ít trang trọng hơn a lot of + noun. Danh từ theo sau a lot of hoặc lots of có thể là danh từ đếm được (countable noun) hoặc danh từ không đếm được (uncountable noun); trong trường hợp danh từ đếm được, nó phải ở dạng số nhiều (thêm hậu tố -s hoặc -es). Cả hai cấu trúc diễn đạt đều có thể được sử dụng trong thể khẳng định (affirmative), thể phủ định (negative) và câu hỏi (question).

A lot of world có thể được tạm dịch là nhiều thế giới; tuy nhiên, có một điều cần được nói rõ để tránh phiên bản gốc tiếng Anh bị hiểu lầm về nghĩa do cách nó được dịch sang tiếng Việt. Nhiều người khi mới nghe cụm từ “nhiều thế giới” có thể hiểu rằng nó muốn nói đến nhiều hơn một thế giới. Điều này không đúng. Thế giới ở đây là một danh từ không đếm được. Khi bạn nói nhiều tình cảm, nhiều hy vọng, nhiều sự lo lắng, các danh từ tình cảm, hy vọng, sự lo lắng là những danh từ không đếm được. Nhiều thế giới trong lời bài hát cũng tương tự như vậy. Nếu muốn nói nhiều đơn vị thế giới, tác giả đã viết: a lot of worlds.

Such a lot of world

Such là một từ hạn định (determiner) được dùng để làm tăng cường độ điều gì. Such trong cách diễn đạt such a lot of + noun làm tăng cường độ / tăng độ nhiều của chủ thể được danh từ nhắc đến. Ví dụ, such a lot of world có nghĩa là thật nhiều thế giới.

There’s such a lot of world to see

Cấu trúc there + be + a lot of + noun + to + verb là một cấu trúc diễn đạt thông dụng mà bạn nên biết. Cấu trúc này có nghĩa là có nhiều điều gì đó để làm gì đó; điều gì đó là chủ thể được nhắc đến qua danh từ (noun), và để làm gì đó là mục đích hành động mà động từ (verb) miêu tả. Ví dụ, there is a lot of world to see có nghĩa là có nhiều thế giới để xem.

Tùy nhu cầu, bạn cũng có thể thay a lot of trong cấu trúc trên bằng bất cứ từ hay cụm từ nào nói về lượng / số lượng, ví dụ: lots of (nhiều), many (nhiều), much (nhiều), plenty of (nhiều, dư dả, dồi dào), a few of (ít), little (ít), thousands of (hàng ngàn), millions of (hàng triệu), two (hai), ten (mười), three hundred (ba trăm), v.v.

We’re after the same rainbow’s end

Be after something có nghĩa là theo / theo đuổi / tìm kiếm / khát vọng đạt được một cái gì đó. Nếu thấy phù hợp, bạn có thể thay động từ be bằng một động từ khác, ví dụ: go after something (đi theo cái gì), chase after something (đuổi theo cái gì), follow after something (theo dấu cái gì).

Khái niệm rainbow’s end (chân cầu vòng) trong tiếng Anh được biết đến là nơi rất khó được phát hiện mà nhiều người truy tìm, theo đuổi, vì ở đó có hũ vàng (pot of gold), tượng trưng cho thứ sẽ làm họ hạnh phúc, sung sướng, giàu có, mãn nguyện, hoặc ít nhất thì họ tin rằng (1) hũ vàng có tồn tại ở chân cầu vòng và (2) nếu có nó thì họ sẽ được hạnh phúc. Đương nhiên, a pot of gold at the end of the rainbow chỉ là một khái niệm tưởng tượng (myth) – một khái niệm tưởng tượng khá phổ biến.

‘round

Roundaround (chung quanh / xung quanh / vòng quanh) là các giới từ (preposition) đồng nghĩa. Một số người cho rằng round ít trang trọng hơn around, nhưng ý kiến này không được ủng hộ đông đảo. Đôi khi, dấu nháy đơn (apostrophe) được đặt trước từ round như một cách vắn tắt để viết around.

Waiting ‘round the bend

Về nghĩa, cụm từ này không có gì khó hiểu: đang chờ đợi quanh khúc cua.

Nếu bạn nào tinh ý, bạn sẽ nhận ra đây là một mệnh đề quan hệ rút gọn (reduced relative clause). Nếu viết đầy đủ toàn câu, ta sẽ có: We’re after the same rainbow’s end which is waiting ‘round the bend.

My huckleberry friend

Huckleberry (việt quất) ngoài nghĩa đen nói về một loại trái cây giống như trái blueberry còn là một tiếng lóng có nhiều nghĩa: (1) một lượng nhỏ, không đáng kể, (2) một người bạn thân hoặc bạn chơi lâu năm, có thể là từ lúc nhỏ, (3) người phù hợp nhất để làm việc gì, (4) một người ngu xuẩn, hậu đậu, không quan trọng hay nổi bật, và nhiều nghĩa khác nữa. Không phải ai cũng biết hết tất cả các nghĩa lóng của từ huckleberry, nên nếu muốn sử dụng nó, bạn nên chọn một ngữ cảnh có thể nêu bật ý nghĩa của nó và hãy chuẩn bị tinh thần để giải thích hoặc diễn giải lại bằng một cách khác (paraphrase / reword) ý bạn muốn nói.

Có người cho rằng huckleberry friend trong lời bài hát nói về nhân vật Huckleberry Finn trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mark Twain, The Adventures of Huckleberry Finn (Những Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn), lần đầu xuất bản năm 1884. Tình bạn và sự phiêu lưu là hai trong các chủ đề chính mà tiểu thuyết đề cập. Điều này có thể dúng hoặc sai, nhưng ta còn biết thêm một chi tiết khác. Những mùa hè tuổi thơ của tác giả Johnny Mercer gắn liền với việc đi hái việt quất dọc bờ sông Vernon gần nhà (hay Sông Trăng, theo cách ông gọi nó trong bài hát). Có thể, đối với ông, những hàng cây việt quất đã trở thành một phần danh tính của Sông Trăng. Với các dữ kiện này, huckleberry trong ngữ cảnh bài hát có khả năng cao là mang nghĩa thứ hai được liệt kê ở trên: người bạn thân lâu năm.

Lời bài hát chỉ có vậy. Sau đoạn nhạc giang tấu (interlude) ở giữa bài, toàn bộ hai lời 1 và 2 thường được lặp lại một lần nữa trước khi kết thúc bài hát.

Full Lyrics (Toàn bộ lời bài hát)

Moon River,

(Sông Trăng,)

Wider than a mile,

(Rộng hơn một dặm)

I’m crossing you in style…

(Ta bảnh bao băng qua ngươi…)

…Someday.

(… Một ngày nào đó.)

Oh, (old) dream maker,

(Ôi, (bạn già của ta) kẻ tạo giấc mơ)

You heart breaker,

(Kẻ phá vỡ trái tim nhà ngươi,)

Wherever you’re going,

(Bất cứ đâu bạn đi,)

I’m going your way.

(Ta đi theo lối bạn.)

Two drifters

(Hai kẻ phiêu bạt)

Off to see the world.

(Lên đường xem thế giới.)

There’s such a lot of world…

(Có thật nhiều thế giới…)

…To see.

(…Để thấy.)

We’re after the same rainbow’s end…

(Chúng ta theo cùng chân cầu vòng…)

…Waiting ’round the bend,

(Đang chờ quanh khúc cua,)

My huckleberry friend,

(Bạn việt quất của ta,)

Moon River and me.

(Sông Trăng và ta.)

[Interlude (giang tấu)]

Moon River,

(Sông Trăng,)

Wider than a mile,

(Rộng hơn một dặm)

I’m crossing you in style…

(Ta bảnh bao băng qua ngươi…)

…Someday.

(… Một ngày nào đó.)

Oh, (old) dream maker,

(Ôi, (bạn già của ta) kẻ tạo giấc mơ)

You heart breaker,

(Kẻ phá vỡ trái tim nhà ngươi,)

Wherever you’re going,

(Bất cứ đâu bạn đi,)

I’m going your way.

(Ta đi theo lối bạn.)

Two drifters

(Hai kẻ phiêu bạt)

Off to see the world.

(Lên đường xem thế giới.)

There’s such a lot of world…

(Có thật nhiều thế giới…)

…To see.

(…Để thấy.)

We’re after the same rainbow’s end…

(Chúng ta theo cùng chân cầu vòng…)

…Waiting ’round the bend,

(Đang chờ quanh khúc cua,)

My huckleberry friend,

(Bạn việt quất của ta,)

Moon River and me.

(Sông Trăng và ta.)

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *