Nếu bạn thấy bài học này hữu ích, mình nhờ bạn chia sẻ cho bạn bè và người thân cũng như xem thêm các bài viết khác tại trang web Engbits.net (bạn có thể bắt đầu từ ĐÂY).

Định nghĩa / Ý nghĩa

Thành ngữ (idiom) the last straw that broke the camel’s back (cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà) nghĩa là tác nhân cuối cùng, trong một chuỗi những tác nhân tích tụ lâu ngày, dẫn đến sự gãy đổ, tai họa, kết cục không mong muốn.

Tác nhân (đại diện bằng khái niệm cọng rơm (straw) trong thành ngữ) có thể là một sự kiện xảy ra, một lời được nói ra hay một hành động được thực thi khiến cho ai đó không thể gắng gượng chịu đựng thêm được nữa hoặc khiến cho tình hình không thể tiếp tục được duy trì nữa.

Phiên bản tiếng Việt tương đương với thành ngữ the last straw that broke the camel’s backgiọt nước làm tràn ly. Dù hai phiên bản này dùng những hình ảnh khác nhau (giọt nước so với cọng rơm, tràn ly so với gãy lưng lạc đà), chúng đồng nghĩa với nhau.

Thành ngữ the last straw that broke the camel’s back đôi khi cũng được nói ngắn gọn là the last straw hoặc the final straw (cọng rơm cuối cùng). Cách nói ngắn gọn này không làm mất đi ý nghĩa của điều bạn muốn diễn đạt, vì nếu có ai đã từng nghe qua thành ngữ này, họ sẽ hiểu ý bạn muốn nói gì, bất kể bạn có diễn đạt đầy đủ thành ngữ hay không.

Theo nghĩa truyền thống, thành ngữ này được dùng để nói đến một tác nhân nhỏ, không đáng kể nhưng dường như lại có đủ khả năng gây ra kết cục lớn, tai hại. Để dễ hiểu, bạn hãy liên tưởng đến hình ảnh một cọng rơm (straw) rất nhẹ nhưng có thể tạo ra trọng lực đủ nặng, đủ mạnh để đè, làm gãy lưng lạc đà (… broke the camel’s back). Thế nhưng ngày nay, phạm vi nghĩa của thành ngữ đã được mở rộng, nhờ vậy mà yêu cầu về cách dùng cũng không còn quá nghiêm ngặt hay kén chọn nữa, cụ thể là khi một sự việc gì đó xảy ra trong một chuỗi những sự việc dẫn đến hậu quả tai hại, bất kể sự việc đó lớn hay nhỏ, trầm trọng hay vặt vãnh, bạn đều có thể diễn đạt nó thông qua thành ngữ này.

Để hiểu thêm về cách sử dụng thành ngữ the last straw that broke the camel’s back, mình mời bạn xem qua các ví dụ ở cuối bài học.

Nguồn gốc / Xuất xứ

Lạc đà là loài thú thường được dùng để chuyên chở con người và hàng hóa trong sa mạc, ví dụ như ở các nước Ả Rập. Trong tiếng Ả Rập có tồn tại một thành ngữ hoàn toàn trùng khớp với thành ngữ the last straw that broke the camel’s back trong tiếng Anh, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài ra, trong văn hóa Ả Rập cũng có một câu chuyện dân gian liên quan đến thành ngữ này. Chuyện kể rằng có một con lạc đà nọ được người chủ của nó chất lên lưng những món hàng nặng nề. Con lạc đà ráng gồng mình chịu đựng mà không tỏ thái độ kêu ca mệt mỏi gì. Chủ của nó thấy vậy, cứ nghĩ mọi việc vẫn ổn thỏa; anh tiếp tục chất thêm những kiện hàng mà anh gom góp trên chuyến hành trình của mình lên lưng con lạc đà. Đến một lúc, con lạc đà đã đến mức giới hạn và không thể chịu đựng thêm được nữa, nhưng người chủ không biết mà vẫn tiếp tục chất lên lưng nó một cọng rơm. Thế là nó sụm xuống, lưng nó bị gãy và nó không thể đi được nữa.

Điều này làm người ta tự hỏi: vì sao con lạc đà lại bỏ cuộc? Nó đã chịu đựng quá nhiều thứ chồng chất, tích tụ trên lưng nó mà không hề than phiền gì. So với những kiện hàng nặng nề, vì sao chỉ một cọng rơm nhẹ lại có thể làm cho lưng nó bị gãy? Chắc bạn cũng đã hiểu được bài học rút ra từ câu chuyện dân gian này. Đây là một chủ đề lý thú mà mình sẽ giải thích kỹ và mở rộng hơn bên dưới, trong mục về last straw fallacy.

Tất cả những dữ kiện mình vừa nhắc đến làm nhiều người tin rằng thành ngữ tiếng Anh the last straw that broke the camel’s back có xuất xứ từ phiên bản thành ngữ tương đương trong tiếng Ả Rập. Có khả năng là vậy, nhưng nếu giả sử điều đó đúng, chẳng phải thàng ngữ đã phải được dịch sát nghĩa nhất có thể ngay từ lần đầu tiên người ta sử dụng nó trong tiếng Anh? Những bằng chứng thực tế mà ta tìm được không ủng hộ điều này.

Xuất hiện lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1646, thành ngữ mang một hình hài khác khi nó được nhắc đến trong chuyên luận Of Liberty and Necessity (Về Sự Tự do và Sự Thiết yếu) của nhà lý thuyết học người Anh Thomas Hobbes: … though not as the whole Cause, yet as the last Cause, as the last Feather necessitates the Breaking of a Horse’s Back, when there are so many laid on before, as there needed but the Addition of one to make the Weight sufficient. (… mặc dù không phải là toàn bộ Lý do, mà là Lý do cuối cùng, như cọng lông chim cuối cùng cần thiết cho Sự Gãy đổ Lưng của một con Ngựa, khi có thật nhiều đã nằm đó từ trước, như chỉ cần Sự Cộng thêm của một [cọng lông chim] để làm Trọng lượng đủ [nặng].) Feather (lông chim) không phải là straw (cọng rơm), và horse (ngựa) không phải là camel (lạc đà), nhưng cách diễn đạt trong đoạn trích trên không quá xa so với phiên bản thành ngữ tiếng Ả Rập, vì cả featherstraw đều nói đến những vật vô cùng nhẹ, và cả horsecamel đều nói đến những con thú khỏe mạnh, có sức chịu đựng cao và thường được con người dùng để chuyên chở.

Đến khoảng năm 1724, ta tìm thấy thành ngữ trong một diện mạo gần gũi hơn với phiên bản ngày nay. Trong tập văn Cato’s Letters (Những bức thư của Cato) của hai tác giả người Anh John Trenchard và Thomas Gordon có đoạn trích: Everything must be at rest which has no Force to impell it; but as the least Straw breaks the Horse’s Back, or a single Sand will turn the Beam of Scales which holds Weights as heavy as the World; so, without doubt, as minute Causes may determine the Actions of Men, which neither others, nor they themselves are sensible of… (Mọi thứ phải ở yên [trong tình trạng] không có một Lực nào để áp dụng lên nó; nhưng cũng như Cọng rơm nhỏ nhất làm gãy Lưng Ngựa, hay duy nhất một hạt Cát sẽ làm xoay Cán Cân mang những Khối lượng nặng như Thế giới; nên, không nghi ngờ gì, những Tác nhân rất nhỏ có thể định đoạt những Hành động của Con người, điều mà cả những người khác, lẫn bản thân họ đều không nhận ra…). Ở đây, ta nhận ra khái niệm cọng lông chim đã được thay bằng cọng rơm, một bước tiến gần hơn với phiên bản thành ngữ mà ta biết đến ngày nay. Tuy nhiên, tác giả không dùng last straw mà là least straw, một cách để nhấn mạnh sự nhỏ bé, nhẹ, không đáng kể của cọng rơm và từ đó đối chứng nó với ảnh hưởng to lớn mà nó có thể gây ra.

Gần một thế kỷ sau, vào năm 1816, ta cuối cùng cũng đã tìm được thành ngữ này trong tờ báo The Edinburgh Advertiser (Nhà quảng cáo xứ Edinburgh), hầu như giống hoàn toàn với phiên bản thông dụng ngày nay: … yet straw upon straw was laid till the last straw broke the camel’s back (… nhưng hết cọng rơm này đến cọng rơm khác đã được đặt lên cho đến khi cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà.)

Có khi nào người Anh đã mượn ý tưởng thành ngữ the straw that broke the camel’s back từ ngôn ngữ và câu chuyện ngụ ngôn của người Ả Rập? Đó là một khả năng, nhưng biết đâu thành ngữ này, hoặc ít nhất là khái niệm này, đã xuất hiện lần đầu tiên trong ngôn ngữ Anh, vào sau đó được người Ả Rập thích nghi vào ngôn ngữ và văn hóa của họ thì sao? Đồng ý, truyện ngụ ngôn thường ra đời từ rất lâu, những lâu là lâu đến mức nào? Vài trăm năm, hay vài nghìn năm? Hoặc cũng có thể thành ngữ này đã ra đời trong cả hai ngôn ngữ trong cùng một khoảng thời gian như nhau, và chúng không gì hơn chỉ là một sự trùng hợp tình cờ nhưng đáng kể đến mức lạ thường? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra sự thật.

Những tình huống sử dụng cần tránh

Thành ngữ the last straw that broke the camel’s back hầu như chỉ được sử dụng cho những tình huống mang tính tiêu cực. Nếu bạn muốn nói về một sự kiện mang sắc thái tích cực trong một chuỗi những sự kiện tích cực dẫn đến điều gì đó vui vẻ xảy ra, thành ngữ này không phải là lựa chọn phù hợp dành cho tình huống của bạn. Điều này cũng dễ hiểu và dễ nhớ thôi; việc lưng lạc đà bị làm gãy (… broke the camel’s back) là một điều tiêu cực, đáng tiếc mà không ai muốn xảy ra.

Ngoài ra, thành ngữ này nói về sự kiện cuối cùng trong một chuỗi những sự kiện xảy ra dẫn đến kết cục tiêu cực, không mong muốn. Nó diễn đạt quá trình nung nấu, dồn nén, bồi đắp, tích tụ nhiều sự việc xấu diễn ra trong một thời gian dài. Nếu tình huống bạn đang nói đến chỉ có duy nhất một sự kiện xấu xảy ra dẫn đến hậu quả tai hại, thành ngữ này không thể được dùng để mô tả tình huống đó. Hãy so sánh hai con lạc đà, một con bị gãy lưng vì người ta cứ liên tục chồng chất thêm rơm rạ lên lưng nó, trong khi con còn lại cũng bị gãy lưng nhưng do người ta đặt lên lưng nó không gì khác ngoài duy nhất một tảng đá quá nặng. Để dễ dàng tránh sai lầm này, hãy nhớ rằng ta đang nói đến the last straw (cọng rơm cuối cùng), không phải the only straw (cọng rơm duy nhất). Ta sẽ mở rộng vấn đề này trong phần kế tiếp.

Last straw fallacy – Lối tư duy sai lầm

Không chỉ là một thành ngữ, the last straw that broke the camel’s back còn thể hiện một lối tư duy rất dễ bị lệch lạc, nếu ý nghĩa của khái niệm thành ngữ này không được hiểu một cách thấu đáo. Người ta thường gọi tên tư tưởng sai lầm này là last straw fallacy (mình tạm dịch là tư duy sai lầm cọng rơm cuối). Mình sẽ cố gắng giải thích kỹ logic này, nhưng nếu bạn đã biết qua, hoặc nếu bạn không mấy quan tâm, bạn có thể bỏ sang đọc phần kế tiếp để đỡ tốn thời gian.

Khái niệm the last straw mặc dù chỉ nhắc đến duy nhất một chủ thể (cọng rơm cuối cùng) nhưng thực chất hàm ý nói đến tất cả những cọng rơm (và cả những thứ khác) trên lưng con lạc đà. Nếu mỗi cọng rơm không đóng góp một chút sức nặng của nó để đè lên lưng lạc đà, lưng của lạc đà đáng lẽ ra đã không bị gãy. Vì vậy, thủ phạm dẫn đến sự kiện tai hại (lưng lạc đà bị gãy) không chỉ là cá nhân cọng rơm cuối cùng được đặt lên lưng lạc đà mà là tập hợp tất cả những cọng rơm, bao gồm cả những cọng đã nằm sẵn trên lưng nó trước khi sự kiện tai hại này xảy ra. Bạn có thể hiểu thành ngữ một cách đầy đủ hơn là the last straw in the group of straws which, together, broke the camel’s back (cọng rơm cuối cùng trong nhóm những cọng rơm mà, cùng nhau, đã làm gãy lưng con lạc đà). Đây chính là bài học rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn xứ Ả Rập mà mình đã kể bên trên.

Một số người không đồng tình với quan điểm này. Họ lập luận rằng lưng của lạc đà đáng nhẽ ra đã không bị gãy nếu cọng rơm cuối cùng không được đặt lên lưng nó, rằng những cọng rơm được đặt lên lưng nó trước đó không phải là thủ phạm, vì chúng đã nằm sẵn trên lưng nó mà không hề gây ra tai họa gì. Đây là một cách lập luận sai lầm xuất phát từ cách nhìn nhận sai lầm về sự việc. Hãy giả sử sự kiện tai hại A đòi hỏi ba điều kiện để xảy ra: điều kiện a1, điều kiện a2 và điều kiện a3. Nếu các điều kiện a1 và a2 được thỏa mãn nhưng a3 thì không, sự kiện A không thể xảy ra. Liệu a3 có phải là thủ phạm duy nhất dẫn đến A không? Không hề, vì nếu a3 tồn tại nhưng ít nhất một trong hai điều kiện a1 và a2 không tồn tại, A vẫn không thể xảy ra. Nói cách khác, ta cần thỏa mãn tất cả a1 a2 a3 để A có thể xảy ra (bạn có thể liên tưởng đến khái niệm 3 tập hợp giao nhau trong Toán học (a1 ꓵ a2 ꓵ a3), hay 3 điều kiện liên kết với nhau bằng quan hệ and trong Tin học (a1 and a2 and a3)).

Để tiếp theo logic về a1, a2 và a3 mà ta vừa đưa ra, có người sẽ lập luận đáp trả rằng, đồng ý là cả 3 điều kiện đều phải được thỏa mãn để A có thể xảy ra, nhưng chẳng phải điều kiện xảy ra cuối cùng là thủ phạm sao? Hay nói theo thành ngữ, liệu chẳng phải cọng rơm cuối cùng là thủ phạm sao? Câu trả lời là không. Hãy giả sử a3 đại diện cho the last straw. Liệu a3 có thể dẫn đến A xảy ra không nếu thiếu a1 hoặc a2? Không cọng rơm nào là thủ phạm duy nhất, mà tập hợp tất cả chúng là thủ phạm, và từng thành phần trong tập hợp đó là đồng phạm.

Phần giải thích bên trên như vậy khá cặn kẽ, nên mình chỉ muốn củng cố vấn đề này bằng một chi tiết cuối cùng nữa thôi. Hãy nghĩ đến thành ngữ giọt nước làm tràn ly trong tiếng Việt. Theo bạn nghĩ thì giọt nước cuối cùng được đổ vào ly là thủ phạm làm tràn ly, hay tất cả những giọt nước được đổ vào ly, mỗi giọt chiếm một phần thể tích của ly, đều là thủ phạm?

Sau tất cả những lập luận bên trên, có một điều quan trọng cần được nhấn mạnh: bản thân thành ngữ the last straw that broke the camel’s back không hề có gì sai lệch. Nó chỉ đơn giản mô tả sự việc xảy ra. Đúng, nó có thể được diễn đạt một cách đầy đủ, rõ nghĩa hơn và tránh bị hiểu sai hơn, như mình đã nhắc đến ở đầu phần này, và có lẽ điều này là lý do chính dẫn đến việc nhiều người vô tình bỏ qua bức tranh tổng thể toàn cảnh sự việc. Tuy nhiên, nó dù gì cũng chỉ là một công cụ ngôn ngữ; nếu hiểu nó một cách thấu đáo, bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì về mặt logic. Tương tự, khái niệm the last straw cũng chỉ là một công cụ tư duy. Những vấn đề trục trặc, lủng củng về mặt lập luận chỉ xảy ra khi bạn sử dụng những công cụ này một cách sai lệch, và việc sử dụng sai bắt nguồn từ việc hiểu sai. Một lần nữa, hãy nhớ, the last straw, không phải the only straw!

Ví dụ sử dụng và biến thể cách dùng như thế nào

  • Being requested to work overtime for the 6th month in a row without any day off was the last straw that broke the camel’s back. John quit after that day. (Bị yêu cầu làm việc ngoài giờ vào tháng thứ 6 trong 6 tháng liền mà không được nghỉ ngày nào là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. John nghỉ sau ngày hôm đó.)
  • Lizzy took all her belongings and left the house that night. That fight was the last straw that broke the camel’s back. She knew she deserved better. (Lizzy đã lấy tất cả đồ đạc và rời khỏi nhà tối hôm đó. Trận cãi nhau đó là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. Cô biết cô xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn.)
  • My little sister used my toothbrush again without asking me. I’d been annoyed with her for a long time, but that was the final straw that broke the camel’s back. I shouted at her for the first time in my life and made her cry. I felt really bad afterwards, but I couldn’t continue to bottle up my emotions anymore. (Em gái tôi dùng bàn chải đánh răng của tôi một lần nữa mà không hỏi ý kiến của tôi. Tôi đã bực nó trong một thời gian dài, nhưng đó là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. Tôi la nó lần đầu tiên trong đời tôi và làm nó khóc. Tôi cảm thấy tệ sau đó, nhưng tôi không thể cứ dồn nén những cảm xúc của mình được nữa.)
  • This is going to be the last straw on the camel’s back. Tony won’t be able to get away with it this time. (Đây sẽ là cọng rơm cuối cùng trên lưng lạc đà. Tony sẽ không thể thoát được nó lần này đâu.)
  • It is impossible to prevent the last straw from breaking the camel’s back. The catastrophe is bound to happen. (Việc ngăn cản cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà là bất khả thi. Tai họa đã được định đoạt sẽ xảy ra.)
  • The upcoming economic downturn will not be like any other crisis. It will be the final straw on the camel’s back. The current economy is already crippling as it is. (Lần suy thoái kinh tế sắp tới sẽ không giống như bất kỳ đợt khủng hoảng nào khác. Nó sẽ là cọng rơm cuối cùng trên lưng lạc đà. Nền kinh tế hiện tại đã khập khiễng như tình trạng sẵn có của nó rồi.)
  • Much as it feels hopeless, Hilton is not going to let this be the last straw which breaks the camel’s back. She has a goal to achieve. (Mặc dù nó cảm thấy vô vọng, Hilton sẽ không để điều này làm cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. Cô có một mục tiêu cần phải đạt được.)
  • The final straw that broke the camel’s back was when Andy said he didn’t love her anymore. She had never felt so lost in her life. (Cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà là khi Andy nói anh không còn yêu cô nữa. Cô chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng đến như vậy trong đời cô.)
  • Sure, it was the last straw, but you cannot blame the entire situation on it. You’re overlooking the rest of the issues. (Chắc chắn rồi, nó là cọng rơm cuối cùng, nhưng bạn không thể đổ lỗi hoàn toàn tình huống cho nó được. Bạn đang bỏ qua những vấn đề còn lại.)
  • Uncle Sam was mad! Real mad! What his son did at school was the straw that broke the camel’s back. (Cậu Sam giận! Rất giận! Điều con cậu làm ở trường là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà.)

Nếu bạn thấy bài học này hữu ích, mình nhờ bạn chia sẻ cho bạn bè và người thân cũng như xem thêm các bài viết khác tại trang web Engbits.net (bạn có thể bắt đầu từ ĐÂY).

  • For many students with compromised health conditions, the university entrance exam is the straw on the camel’s back. Their bodies were not built for such intense and demanding needs. (Đối với nhiều học sinh có những vấn đề sức khỏe bị thỏa hiệp, bài thi đầu vào đại học là cọng rơm trên lưng lạc đà. Cơ thể của họ không được tạo dựng cho những nhu cầu gắt gao và đòi hỏi như vậy.)
  • My car broke down during our trip. We had been using it to tow heavy trailers for over 10 years without taking good care of it, so it was understandable that that long-distance drive was the last straw. (Xe hơi của tôi bị hư giữa chuyến đi của chúng tôi. Chúng tôi đã dùng nó để kéo những toa moóc nặng nề trong hơn 10 năm mà không chăm sóc nó tốt, nên cũng hiểu được rằng chuyến đi đường dài đó là cọng rơm cuối cùng.)

  • That’s it! That’s the final straw. I’m not going to let you ruin my life anymore. I’m sick of you! (Chấm dứt ở đó! Đó là cọng rơm cuối cùng. Tôi sẽ không để cho bạn hủy hoại cuộc đời tôi nữa. Tôi đã ngán bạn lắm rồi!)
  • Elodie wouldn’t have done what she did today had you not insulted her in front of everyone. What you did was the final straw which broke her back. Worse, I had warned you many times about this. (Elodie đáng lẽ ra đã không làm chuyện cô làm hôm nay nếu bạn đã không xúc phạm cô trước mặt mọi người. Điều bạn làm là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng cô. Còn tệ hơn, tôi đã cảnh báo bạn nhiều lần về việc này rồi.)
  • The police officer had been pretending not to know anything about their activities. He tried to, even though it was against his will. Being informed about their plan, however, was the straw which broke the camel’s back. He knew that if he didn’t act, it would be forever too late to act. (Vị cảnh sát viên đã giả vờ như không biết gì về những hoạt động của họ. Ông cố gắng, mặc dù điều đó trái ngược với ý muốn của ông. Được báo tin về kế hoạch của họ, tuy vậy, là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà. Ông biết rằng nếu ông không hành động, nó sẽ vĩnh viễn quá trễ để hành động.)
  • Riley’s deceitful moves are not something unfamiliar to her boyfriend. They no longer are, at least. It is only a matter of time before Riley puts the final straw on his back. She can’t keep getting away with her mischief like that forever. (Những hành động lừa dối của Riley không phải là thứ gì lạ lẫm đối với bạn trai cô nữa. Ít nhất thì chúng không còn nữa. Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Riley đặt cọng rơm cuối cùng lên lưng anh. Cô không thể tiếp tục thoát với sự ranh mãnh của cô như vậy mãi mãi được.)
  • Jason has had enough of his addiction. He almost got himself into an accident being he was drunk driving. That near-death experience was the last straw that broke the camel’s back. He has decided to go to rehab. (Jason đã chịu đựng cơn nghiện của anh đủ rồi. Anh suýt tự bản thân chuốc lấy tai nạn bởi vì anh đã lái xe trong lúc say xỉn. Trải nghiệm gần-chết đó là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. Anh đã quyết định đi cai nghiện.)

  • Kevin’s leaving work early without telling anyone was the straw which broke the camel’s back. His boss called him at the end of the day to tell him he was fired. Thinking back, his disobedient attitude was nothing new. (Việc Kevin rời chỗ làm sớm mà không báo cho ai biết là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà. Sếp của anh gọi anh cuối ngày hôm đó để báo rằng anh đã bị đuổi. Nghĩ lại, thái độ không vâng lời của anh ta không phải là điều gì mới mẻ.)
  • Are you as fed up with this nonsense as I am? I swear one of these days it’ll put the last straw on my back. I don’t even know what I’m going to do if that happens. (Bạn có ngán ngẩm thứ nhảm nhí này nhiều giống tôi không? Tôi thề là một ngày gần đây nó sẽ đặt cọng rơm cuối cùng lên lưng tôi. Tôi thậm chí còn không biết liệu tôi sẽ làm gì nếu điều đó xảy ra nữa.)
  • It is hardly a surprise to Nancy that her parents don’t love her. Yet their getting her married to the mayor just so that they can live in wealth and power is too much for her to handle. It is the last straw that breaks the camel’s back. She cannot take it anymore. (Việc cha mẹ của Nancy không yêu thương cô ít có phải là một ngạc nhiên đối với cô. Thế nhưng hành động của họ đám cưới cho cô với vị thị trưởng chỉ để họ có thể sống trong giàu sang và quyền lực là quá sức chịu đựng của cô. Nó là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng lạc đà. Cô không thể chịu đựng được nữa.)

Vậy là hết bài!

Nếu bạn thấy bài học này hữu ích, mình nhờ bạn chia sẻ cho bạn bè và người thân cũng như xem thêm các bài viết khác tại trang web Engbits.net (bạn có thể bắt đầu từ ĐÂY).

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *